STC xin được chia sẽ bài viết: Đường dây 500 kV Bắc - Nam: Chuyện bây giờ mới kể
Đường dây 500 kV Bắc - Nam hoàn thành đã nối liền hệ thống điện trong cả nước, giải quyết được bài toán thiếu điện liên miên ở khu vực miền Trung và miền Nam. Đây cũng là công trình đầu tiên và duy nhất trong ngành Điện thu hồi vốn nhanh nhất, tính đến thời điểm này. Thế nhưng, để có được những dấu mốc quan trọng ấy là cả một câu chuyện dài mà không phải ai cũng biết.
Từng đề xuất, nhưng chưa được chấp nhận
Đã ngót hai chục năm trôi qua từ khi khởi công xây dựng công trình này song với GS Trần Đình Long, cố vấn công trình, nguyên giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN), ký ức về những ngày miệt mài trên trang giấy với những phép tính toán cùng không khí làm việc khẩn trương ngoài công trường vẫn chỉ như mới hôm qua.
Ông bắt đầu câu chuyện từ những ngày cách đây hơn ba chục năm. "Thực ra, ý tưởng xây dựng đường dây tải điện từ Bắc vào Nam đối với tôi và một số nhà khoa học khác xuất hiện khá sớm, từ khi có đề án Thủy điện Hòa Bình. Chúng tôi biết rằng, chắc chắn khi nhà máy hoàn thành thì miền Bắc sẽ thừa nguồn điện. Trong khi, miền Trung và miền Nam chưa có công trình phát điện nào đáng kể. Do đó, cần phải đưa điện từ Bắc vào".
Năm 1978, ông Long có dịp làm việc ở Viện Thiết kế lưới điện Lêningrat (Liên Xô). Ông đã đưa ra ý tưởng này để thảo luận cùng các chuyên gia nước bạn. "Thế nhưng, điều kiện kinh tế của ta chưa cho phép làm công trình lớn như thế. Nếu có làm thì cũng phải nhờ sự trợ giúp rất lớn từ phía Liên Xô. Có lẽ vì thế mà các chuyên gia đã ngại chấp nhận đề xuất này", ông Long nhớ lại.
Cuối năm đó, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học, về nước tiếp tục giảng dạy tại trường. Khoảng giữa những năm 80, ông Long hướng dẫn nghiên cứu sinh đầu tiên với đề tài Luận chứng kinh tế - kỹ thuật về đường dây 500 kV Bắc - Nam. Luận án được bảo vệ thành công song phải mất chừng 5 - 6 năm sau, ý tưởng về việc xây dựng đường dây 500 kV mới dần trở thành hiện thực.
"Khó nhưng vẫn phải làm!"
Gần Tết năm 1992, ông Long nhận được tin báo "sẽ đón lãnh đạo đến chúc Tết". Thế nhưng, ai đến vẫn còn là "bí mật". "Tết đó, Tổng Bí thư Đỗ Mười, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt cùng các cán bộ bên Ủy ban Khoa học Kỹ thuật thành phố đến chúc Tết. Sau khi thăm hỏi vài câu thì Tổng Bí thư nói ngay rằng ông vừa đi công tác trong miền Nam ra, tình hình cung cấp điện ở miền Nam và miền Trung rất tồi tệ, mỗi tuần cắt điện 4 - 5 ngày, trong khi miền Bắc lại thừa điện. Đó là tình trạng vô lý nên phải tìm cách đưa điện từ miền Bắc vào. Nghe vậy, tôi liền trình bày với Tổng Bí thư rằng một số nhà khoa học cũng rất quan tâm, nhưng làm sẽ rất khó khăn. Tổng Bí thư bảo "khó nhưng vẫn phải làm".
Sau Tết, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) Võ Văn Kiệt mời tôi lên đặt vấn đề tương tự. Thủ tướng nói rõ: "Chính phủ đã quyết tâm làm. Giới khoa học các anh phải có trách nhiệm chứng minh được tính khả thi về khoa học và kỹ thuật của công trình". "Sau lần đó, tôi có nhiều dịp làm việc cùng Thủ tướng về công trình này" - ông Long nhớ lại.
Ngày 25/2, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt Báo cáo khả thi của công trình 500 kV Bắc - Nam. Ngày 5/4, Thủ tướng ra lệnh khởi công ở ba vị trí cột 54, 852 và 2702 trên tuyến đường dây với tổng số 3.437 vị trí cột.
Thời gian này, ông Long cùng các thầy giáo của Bộ môn Hệ thống điện, Trường ĐHBKHN đã phối hợp với Công ty Tư vấn Xây dựng điện 1 (cơ quan phụ trách thiết kế) và các đơn vị khác để hoàn thành Hồ sơ Thiết kế Kỹ thuật trình lên Thủ tướng. "Lúc đó, quyết tâm của lãnh đạo rất lớn cùng với sự hối thúc của tình hình khiến chúng tôi có động lực hoàn thiện trong thời gian sớm nhất có thể", ông Long xúc động cho biết.
Vừa thiết kế vừa thi công
Ông Long "bật mí": "Công trình này rất đặc biệt, không chỉ về quy mô, mức độ, thời hạn hoàn thành mà còn bởi có những điều... chưa từng có trong lịch sử ngành công nghiệp nói chung và ngành Điện nói riêng".
Lý giải cho điều này, ông nói: "Thông thường, với một công trình nào đó thì việc đầu tiên là phải lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật, xong rồi mới thiết kế kỹ thuật, sau đó đến chào thầu. Chọn nhà thầu xong mới mở công trường xây dựng. Thế nhưng, với công trình này, tất cả các khâu đều làm song song, vừa làm vừa nghiên cứu, bổ sung. Vì thế, áp lực, cường độ càng lớn".
Mặc dù vậy, cả công trình được hoàn thành với chất lượng tốt, không có sai sót nào đáng kể. Bởi việc tính toán có sự tham gia và thẩm định của nhiều đơn vị trong và ngoài nước. Chính phủ mời cả chuyên gia của Úc sang giám sát thi công. Vật tư, thiết bị được nhập khẩu hoàn toàn từ các nước G7 - nơi có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới để đảm bảo chất lượng của công trình. Trước khi đưa đường dây vào vận hành thì từng bộ phận được kiểm tra rất cẩn thận nên không xảy ra sai sót, ông Long cho biết.
Rồi ông ví von: "Trong suốt hai năm xây dựng công trình, đâu đâu cũng là công trường. Ở bàn làm việc, các chuyên gia khẩn trương với những con số, phép tính. Ngoài công trường, hàng chục vạn công nhân miệt mài lao động. Ấn tượng nhất là hình ảnh bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải gùi từng thùng nước, từng cân xi măng lên núi để trộn bê tông, dựng cột. Nếu như chúng ta chờ làm đường để dùng xe chuyển vật tư lên sẽ rất mất thời gian, tốn kém, trong khi yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đang rất bức thiết".
Tuy nhiên, quá trình thực thi công trình này cũng đã có nhiều ý kiến phản đối ngay trong chính đội ngũ khoa học kỹ thuật. Thêm nữa, về phương diện khoa học công nghệ thì đây là đường dây phức tạp với chiều dài (chừng 1.500 km) rơi vào vùng được gọi là "một phần tư bước sóng", việc phải giữ thế nào để mức điện áp trong cả hệ thống đường dây nằm trong giới hạn cho phép khi chế độ làm việc thay đổi là rất khó. Ngoài ra, nguồn điện cũng yếu, chỉ tải một mạch, nên độ tin cậy không cao... Song với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân nên chỉ sau gần 2,5 năm, công trình hoàn thành "trong sự ngỡ ngàng, khâm phục của bạn bè quốc tế", ông Long kể.
Tháng 5/1994, công trình cơ bản hoàn thành, bắt đầu đóng điện thử. Dấu mốc quan trọng nhất là hồi 19h06’ ngày 27/5/1994. Đây là thời điểm hòa điện lần đầu tiên giữa hệ thống điện miền Nam với miền Bắc, thực hiện tại Đà Nẵng. "Khi đó, tôi đang công tác trong TPHCM. Dù trước đó đã dự đoán được thời điểm đóng điện này song không ai biết chính xác là lúc nào. Thế nên, khi nhận tin đó, tôi đã vui mừng đến trào nước mắt. Đó cũng là đêm tôi ngủ ngon nhất trong đời cho đến thời điểm này", ông Long bùi ngùi nhớ lại.
Lưới điện ba miền Bắc - Trung - Nam đã hòa vào một. Cũng sau đó, chỉ chưa đầy ba năm, tổng số vốn đầu tư hơn 500 triệu USD vào công trình này đã thu lại được. "Đó là một kỳ tích mà cho đến nay chưa có công trình nào của ngành Điện vượt qua được", giọng ông cố vấn không giấu được vẻ tự hào.
"Sau khi công trình hoàn thành đã xuất hiện những sự cố. Tôi đã cùng các kỹ sư đi thực địa, khắc phục tình hình. Có những cung đường chỉ sau chừng vài ba tháng cỏ dại đã mọc um tùm, phải có người đi trước phát cây để lấy đường đi; rồi khi đứng ở cột điện trên lưng chừng núi nhìn xuống mới thấm thía công sức của đồng bào mình đã đổ để gùi từng cân xi măng, cân nước lên núi để dựng cột. Điều đó khiến tôi thật sự xúc động". |
GS Trần Đình Long